Hứa Lê Cẩm Xuân
Không chỉ xuất sắc trên sàn đấu với 5 lần vô địch thế giới, Hứa Lê Cẩm Xuân còn là cô giáo rất được học trò quý mến tại trường THCS Lý Phong, Q.5, TP. HCM.
Thành danh nhờ học nhầm môn võ
Trong làng vovinam TP. HCM, Cẩm Xuân được biết đến với tư cách là một vận động viên tài sắc vẹn toàn, thành công trong sự nghiệp cũng như có một công việc ổn định. Cô nổi danh với 5 lần vô địch thế giới ở nội dung quyền. Tại SEA Games 27 vừa qua, Cẩm Xuân cũng xuất sắc đoạt 3 HCB.
Cũng như nhiều VĐV khác trong làng thể thao Việt Nam, Cẩm Xuân đến với vovinam nhờ 1 ngả rẽ tình cờ. “Năm học lớp 6 (năm 2000), tôi được anh trai dẫn đi tập võ. Ý định ban đầu là kiếm nơi học karatedo nhưng không ngờ anh lại dẫn đến học vovinam. Tôi vô tư học được 1 tuần mới biết là học lộn môn, nhưng thấy vovinam cũng tốt nên quyết định theo luôn”, Cẩm Xuân cười tươi khi kể lại cơ duyên đưa mình đến môn Việt võ đạo.
Quê gốc ở xứ dừa Bến Tre nhưng từ nhỏ Cẩm Xuân đã theo gia đình lên TP. HCM lập nghiệp. Là con út trong gia đình có 4 anh chị em, được bố mẹ bao bọc nhưng Cẩm Xuân có ý thực tự lập từ sớm và rất siêng năng với vovinam. Tuy nhà ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nhưng hàng ngày cô vẫn đạp xe với quãng đường xa đến tập tại Trường THCS Tùng Thiện Vương (Quận 8).
Khởi đầu, vận động viên xinh đẹp này thi đấu đối kháng ở hạng cân 42-45kg ở các giải vô địch học sinh của TP. HCM từ năm 2002-2003 cho đến năm 2005-2006. Nhưng về sau cô nhận thấy mình thích hợp hơn với các nội dung quyền. Từ sau tấm HCV ở giải vovinam quốc tế TP. HCM mở rộng 2005 với bài Long Hổ Quyền, Cẩm Xuân đã quyết định chuyển sang thi đấu quyền.
Hiện tại, Cẩm Xuân mang chuẩn hồng đai (danh xưng võ sư chuẩn cao đẳng) của vovinam. Cô là vận động viên nổi bật của vovinam TP. HCM cũng như tuyển Việt Nam trong những năm qua. Không chỉ thi đấu xuất sắc, Cẩm Xuân cũng nỗ lực học tập để trở thành cô giáo dạy vật lý như hiện nay.
Vững vàng nhờ vovinam nhưng yêu nghề giáo
Theo nghiệp vận động viên thể thao chuyên nghiệp, không phải ai cũng chăm lo chu toàn cho việc học. Nhưng Cẩm Xuân thì khác, cô đã hứa với bố mẹ chắc chắn sẽ thực hiện được ước mơ làm cô giáo. Năm 2007, thời điểm Cẩm Xuân đoạt HCV thế giới cũng là lúc cô thi đấu vào trường CĐSP TP. HCM rồi sau đó học liên thông tại trường ĐHSP. Cách đây 4 năm, cô trở thành giáo viên dạy vật lý của trường THCS Lý Phong.
Nghề giáo viên vốn giờ giấc chặt chẽ, trong khi nghiệp VĐV thường xuyên phải đi tập luyện, thi đấu. Thế nên, để chu toàn được cả 2 việc là điều không hề dễ dàng. “May cho tôi là các thầy cô trong trường thông cảm cho tôi mỗi lúc đi thi đấu, chứ tập luyện suốt ngày, rồi đứng lớp, chấm bài thi, tôi không biết xoay xở thế nào”, Cẩm Xuân tâm sự.
Nghề giáo không cho Cẩm Xuân một mức thu nhập cao nhưng giúp cô có được 1 công việc ổn định để có thể chăm lo được cho bản thân sau khi chia tay sàn đấu. Đây là điều không phải VĐV nào cũng đạt được, bởi thời gian sung sức nhất họ đã cống hiến cho thể thao.
“Làm giáo viên hiện tại tôi nhận mức lương cơ bản hơn 3 triệu đồng/tháng. Số tiền này không thể so lại với chế độ ở một môn có thành tích như vovinam. Nhưng đó là công việc tôi yêu thích và sẽ gắn bó lâu dài. Với vovinam, đó là duyên nghiệp giúp tôi trường thành và tích lũy cho mình được 1 ít để vun vén cho tương lai”, Cẩm Xuân giãi bày.
Hiện tại ngoài giờ làm tròn bổn phận của 1 giáo viên dạy lý hiền hậu trên giảng đường hay mạnh mẽ trên sàn đấu vovinam, Cẩm Xuân vẫn là cô con gái út được bố mẹ thương yêu hết mực. Ở tuổi 26, khi các anh chị em đều đã có gia đình, Cẩm Xuân cũng đã muốn tìm một người để sánh bước chung đôi…
Theo Zing.vn